Thứ sáu, 04/10/2024

📚 Góc hỏi đáp pháp luật: Có phải trong mọi trường hợp, hợp đồng mua bán tài sản thế chấp đều vô hiệu?📚

Hỏi đáp pháp luật


📚 Góc hỏi đáp pháp luật: Có phải trong mọi trường hợp, hợp đồng mua bán tài sản thế chấp đều vô hiệu?📚

Nếu so với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác như cầm cố hay cầm giữ tài sản, thế chấp tài sản được xem biện pháp bảo đảm mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế. Dưới góc độ bên nhận bảo đảm, nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản không đặt ra, từ đó, góp phần làm giảm đi chi phí thực hiện hợp đồng của các bên mà vẫn bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Đối với bên thế chấp, tài sản bảo đảm được đưa vào quá trình lưu thông dân sự (như được sử dụng, cho thuê,…), bên thế chấp có thể tận dụng để tạo ra nguồn lực tài chính từ đó bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thêm hiệu quả.

Hiện nay, thực tế xét xử đang theo hướng cho rằng việc bán tài sản thế chấp khi chưa có sự đồng ý của bên nhận thế chấp có thể bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Tuy nhiên, hướng tiếp cận trên là còn tương đối cứng nhắc. Bởi lẽ, việc bán tài sản thế chấp vẫn có cơ sở để chấp nhận và không nên cổ súy việc tuyên vô hiệu các giao dịch mua bán này, xuất phát từ các căn cứ pháp lý sau:

📌 Thứ nhất, việc bán tài sản thế chấp không vi phạm điều cấm của luật. Điều 320 BLDS 2015 có quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp, theo đó không được bán tài sản thế chấp, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Như vậy, quy định hiện nay nên được hiểu theo hướng, việc bên thế chấp muốn bán tài sản, thì vẫn cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc BLDS cấm bên thế chấp bán tài sản thế chấp. Việc bán tài sản thế chấp có thể khiến bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ và việc bán này, nếu gây ra thiệt hại cho bên nhận thế chấp thì phải bồi thường thiệt hại (do vi phạm nghĩa vụ), chứ không thể bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

📌 Thứ hai, việc bán tài sản thế chấp sẽ không ảnh hưởng quyền của bên nhận thế chấp. BLDS 2015 có quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba tại Điều 297, đây là quy định tiến bộ để bảo vệ cho bên nhận thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp có được mua bán hay tặng cho. Cụ thể, khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định của pháp luật. Như vậy, hiện nay việc bán tài sản bảo đảm, miễn là biện pháp bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm thì việc mua bán này sẽ không làm mất quyền của bên nhận bảo đảm. Bên nhận bảo đảm theo đó vẫn có thể truy đòi tài sản từ bên thứ ba (bên mua) và hưởng quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm theo pháp luật.

Thực tế, để làm rõ thêm điều này, Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hướng dẫn như sau: Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7.

Từ các phân tích nêu trên, việc bán tài sản thế chấp, nếu pháp luật không có quy định khác, thì cần phải công nhận hiệu lực của việc mua bán này để bảo vệ các bên, đặc biệt là bên mua tài sản.

——————————————–
CÔNG TY LUẬT THIÊN NAM
Hồ sơ năng lực: https://docs.google.com/…/1plYgrkTmYepFhhf…/edit
☎ Hotline: 1900.633.203
📧 Email: tuvanluatthiennam@gmail.com
Website: https://luatthiennam.com
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCTO-J1Ada3EFI-U0Xn_Snlw
Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatthiennam?lang=vi-VN
🏣 Địa chỉ: Số 5, ngõ 165/2 phố Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
🏣 Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh: Số 51/17A, đường số 22, khu phố 7, Linh Đông, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh
#luatthiennam #tuvanphapluatmienphi