Chủ nhật, 06/04/2025

📚 Từ vụ Vạn Thịnh Phát: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát sở hữu chéo, chặn thao túng hoạt động ngân hàng là vấn đề cấp bách 📚

Bản tin pháp luật


📚 Từ vụ Vạn Thịnh Phát: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát sở hữu chéo, chặn thao túng hoạt động ngân hàng là vấn đề cấp bách 📚

Nghiên cứu từ kết quả điều tra “đại án” Vạn Thịnh Phát – SCB cho thấy vi phạm trong sở hữu chéo, cho vay sân sau của ngân hàng vẫn còn phức tạp, ngày càng tinh vi. Đây là một thách thức rất lớn với cơ quan quản lý trong bài toán chống chi phối hoạt động ngân hàng. Đặt ra vấn đề cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật, bít các kẽ hở trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

Nhận diện những chiêu thức thủ đoạn tinh vi, lách quy định pháp luật, nhằm chiếm đoạt tiền của Ngân hàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Theo kết luận của CQCSĐT, Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền hạn để chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ để chiếm của SCB đoạt số tiền hơn 304 nghìn tỷ đồng, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo hoàn toàn hoạt động của SCB, có vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi “cố ý trực tiếp”, có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có “kịch bản”. Các bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện phạm tội.

“Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế”, kết luận nêu.

Nghiên cứu vụ án cho thấy hàng loạt những thủ đoạn tinh vi, phức tạp mà các đối tượng sử dụng nhằm lách quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, đồng thời trốn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng:

📌 Thứ nhất, nhờ nhiều người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, nhằm thâu tóm, thao thúng, sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính để huy động tiền

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tập đoàn và các công ty kể trên, Trương Mỹ Lan là chủ sở hữu 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ); Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa; Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Từ đây, Lan đã thao túng hoạt động của các ngân hàng này, phục vụ cho các mục đích cá nhân.

📌 Thứ hai, lập đơn vị có chức năng cho vay riêng đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan để tránh sự kiểm soát của NHNN.

Theo kết luật điều tra, điểm chung của các khoản vay bà Lan đưa ra là “số tiền vay rất lớn”, từ vài chục tỷ đồng trở lên, chênh lệch “đặc biệt lớn” với các khoản vay thông thường; giải ngân trước hợp thức hồ sơ sau; tài sản đảm bảo giống nhau…

Trên hệ thống, các khoản vay này được ghi chú ký hiệu “HSTT” – tức Hội sở tiếp thị. Nghĩa là không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn. Thông thường, các khoản vay này sẽ duyệt ngay khi chưa hoàn thiện hồ sơ, trái với quy định cho vay thông thường, kết luận điều tra nêu.

📌 Thứ ba, tạo lập các công ty “ ma”, khách hàng vay vốn khống, thuê nhờ người đứng tên tài sản, che giấu, đối phó cơ quan thanh kiểm tra

Kết quả điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bị can như Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung… chỉ đạo các nhân vật tại SCB, Vạn Thịnh Phát cùng đơn vị thẩm định để thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau, bao gồm: tạo lập khách hàng vay vốn khống; thuê, nhờ người đứng tên tài sản; tạo lập hồ sơ vay vốn khống; đưa tài sản đảm bảo được định giá trị.

Tất cả nhằm tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định để che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, phục vụ mục đích “rút ruột” SCB.

Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Mặc dù trên hồ sơ thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại SCB đã được thực hiện trước khi các hợp đồng được hoàn thiện.

📌 Thứ tư, thao túng công ty thẩm định giá, nâng khống tài sản, đưa tài sản không đủ pháp lý vào thế chấp

Thủ đoạn của Trương Mỹ Lan muốn thành công phải có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Cơ quan điều tra kết luận các công ty này đã thông đồng với nhóm đối tượng tại SCB để phát hành các Chứng thư Thẩm định giá, nhằm hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Trương Mỹ Lan.

Trong đó, lãnh đạo Ngân hàng SCB gồm TGĐ Võ Tấn Hoàng Văn, Quyền TGĐ Trương Khánh Hoàng, Phó TGĐ Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung đã chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp cho cấp dưới là Lê Văn Chánh, Lê Anh Phương, Bùi Ngọc Sơn để liên hệ với các Công ty Thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, trị giá tài sản bảo đảm cần định giá theo yêu cầu của SCB.

📌 Thứ năm, thiết lập “ma trận” các pháp nhân, chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để che giấu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm

Để hợp thức việc rút tiền, tránh các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết theo dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Phương Hồng, Khánh Hoàng, Mỹ Dung phía SCB phối hợp với Dương và Phương Anh (phía Vạn Thịnh Phát) sử dụng các phương án vay vốn khống để giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma”, hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

📌 Thứ sáu, bán nợ xấu làm đẹp hồ sơ, mua chuộc cán bộ

Với các thủ đoạn như vậy, các khoản nợ gốc và lãi ngày càng phình to, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5 và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.

Để che giấu một phần số nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng và có thể tiếp tục cho vay, giải ngân theo các hồ sơ “khống”, nhóm Trương Mỹ Lan đã thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC (Công ty quản lý tài sản) và bán nợ trả chậm cho chính các Công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập.

📌 Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát sở hữu chéo, siết cho vay sân sau là vấn đề cấp bách

Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thực tế tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay “sân sau” còn phức tạp.

Nhận thức rõ về những khó khăn, tồn tại trong quá trình kiểm soát hoạt động hệ thống ngân hàng, ngày 18/9/2023, giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sở hữu chéo; các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, “sở hữu chéo, sân trước, sân sau” là những hạn chế, được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và yêu cầu sớm xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh.

Chính vì thế, trong Dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những điều chỉnh nhằm siết chặt hơn các quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần; cấm cho vay “nội bộ”, người có liên quan và siết hạn mức dư nợ cấp tín dụng… nhằm bít các lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

——————————————–
CÔNG TY LUẬT THIÊN NAM
Hồ sơ năng lực: https://docs.google.com/…/1plYgrkTmYepFhhf…/edit
☎ Hotline: 1900.633.203
📧 Email: tuvanluatthiennam@gmail.com
Website: https://luatthiennam.com
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCTO-J1Ada3EFI-U0Xn_Snlw
Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatthiennam?lang=vi-VN
🏣 Địa chỉ: Số 5, ngõ 165/2 phố Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
🏣 Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh: Số 51/17A, đường số 22, khu phố 7, Linh Đông, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh
#luatthiennam #tuvanphapluatmienphi