Phân biệt tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn tại cho sức khỏe của người khác” dẫn đến hậu quả chết người
Hiện nay, pháp luật hình sự của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hơn, có sự răn đe lớn đối với các tội phạm. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất nhiều hành vi phạm tội diễn ra, với những thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết. Vậy thì tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích” khác nhau ở những điểm gì? Luật Thiên Nam sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc ngay bây giờ.
Tội “Giết người” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất từ 12 – 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn tại cho sức khỏe của người khác” (Sau đây gọi tắt là “Cố ý gây thương tích”) dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt từ 7 – 14 năm tù. Nếu hậu quả làm chết từ hai người trở lên, khung hình phạt là từ 12 – 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Những dấu hiệu để phân biệt hai loại tội danh này gồm có:
Thứ nhất, về mục đích phạm tội
Người phạm tội “Giết người” thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân
Người phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người khi thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể của nạn nhân chứ không có mục đích tước đoạt tính mạng. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
Thứ hai, về hành vi phạm tội
Người phạm tội “Giết người” thực hiện hành vi với mức độ tấn công nhanh, mạnh vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể như vùng đầu, ngực, bụng,…
Người phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người thực hiện hành vi với mức độ tấn công yếu hơn, thường là vào những vị trí không gây nguy hiểm chết người như là tay, chân,..
Thứ ba, về yếu tố lỗi
Người phạm tội “Giết người” thực hiện hành vi với lỗi cố ý, ý thức được hậu quả xảy ra
Người phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người thực hiện hành vi với lỗi vô ý đối với hậu quả chết người. Nói cách khác, việc nạn nhân bị chết là nằm ngoài mong muốn của người phạm tội.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết để phân biệt hai tội danh nêu trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, chính xác, hiệu quả nhất.