Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Có thể nhận thấy, Luật BVMT năm 2020 đã kế thừa, phát huy các yếu tố tích cực trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua, khắc phục những hạn chế còn tồn tại đồng thời bổ sung các nội dung mới để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Một số điểm mới nổi bật của Luật BVMT năm 2020 gồm:
Thứ nhất, Luật mới bổ sung thêm 9 nội dung về giải thích thuật ngữ, trong đó có các nội dung mới như: đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đăng ký môi trường; chất ô nhiễm khó phân hủy,… Đặc biệt, việc bổ sung thuật ngữ “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đã khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng này trong việc BVMT.
Thứ hai, Luật đã xây dựng một mục riêng để quy định về di sản thiên nhiên, việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; các nội dung về BVMT di sản thiên nhiên (điều tra, đanh giá, quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ di sản thiên nhiên).
Thứ ba, Luật BVMT đã ban hành quy định tại Điều 28, 29 để xác định tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư, theo đó dự án đầu tư được phân thành 04 (bốn) nhóm để thực hiện các thủ tục pháp lý về BVMT theo quy định; Ngoài ra, Luật cũng quy định nhóm đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Thứ tư, đây là lần đầu tiên Luật BVMT ban hành một Mục riêng để quy định về Giấy phép môi trường, được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Theo đó, có 03 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường; ngoài ra, các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…Đặc biệt, Luật cũng quy định kể từ ngày Giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực.
Thứ năm, Luật BVMT 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn, được thể hiện từ Điều 90 đến Điều 96 của Luật.
Thứ sáu, Luật BVMT 2020 đã bổ sung nội dung về phát triển kinh tế môi trường, kiểm toán môi trường nhằm tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý môi trường. Trong đó có các quy định về: chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; mua sắm xanh; khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; kinh tế tuần hoàn… được thể hiện tại các Điều 142 đến Điều 147. Luật BVMT cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan tại Điều 160 Luật BVMT.
Trên đây là một số điểm mới nổi bật của Luật BVMT năm 2020. Nếu bạn cần hỗ trợ tư vấn pháp lý, hãy liên hệ với Luật Thiên Nam để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất!