Thứ ba, 30/04/2024

Câu chuyện pháp luật: Doanh nghiệp và những rủi ro về hóa đơn và hoàn thuế giá trị gia tăng

Hỏi đáp pháp luật

Câu chuyện pháp luật: Doanh nghiệp và những rủi ro về hóa đơn và hoàn thuế giá trị gia tăng

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang nắm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển của một quốc gia. Bên cạnh những mặt tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế, sự gia tăng một cách “ồ ạt” của hàng loạt các doanh nghiệp lớn nhỏ khiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thuế. Việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hóa đơn nhằm thu lợi bất chính sẽ xây dựng nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống thất thoát nguồn ngân sách nhà nước đồng thời thúc đẩy mạng lưới các doanh nghiệp phát huy những tiềm năng vốn có của mình. Tuy nhiên, trên thực nhiêu doanh nghiệp do tính chất chủ quan, thiếu hiểu biết về những quy định pháp luật về thuế để rồi tự đưa mình vào những rắc rối hay vòng lao lý không đáng có.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển ĐX là một công ty sản xuất và xuất nhập khẩu lò xử lý rác thải, do vậy nhu cầu về khấu thuế thu nhập doanh nghiệp vô cùng lớn. Ngày 10/01/2013 và ngày 15/01/2013, Công ty ĐX đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 032/HĐKT/2013, 035/HĐKT/2013 với Công ty cổ phần khoáng sản VP. Nội dung của Hợp đồng, hai bên thống nhất, Công ty VP xây dựng cơ sở hạ tầng lắp đặt lò đốt rác thải cho các dự án xử lý rác thải tại bệnh viện và khu dân cư do Công ty ĐX đã đấu thầu dự án. Do thiếu đầu vào để khấu trừ thuế thu nhập doạnh nghiệp, công ty DDX đã thỏa thuận với công ty VP, trên mỗi một hợp đồng mà hai bên ký kết, giá trị thực tế mà hai bên ký kết sẽ được nâng lên 50% và phần nâng lên sẽ được công ty ĐX sẽ được thanh toán 2% giá trị tăng thêm ngoài thuế VAT 10% tại thời điểm.

Vụ việc diễn ra từ năm 2013 đến năm 2021 thì cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc điều tra Công ty VP vì có dấu hiệu vi phạm về thuế gây thiệt hại cho nhà nước. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra có đủ chứng cứ công ty VP đã xuất bán hóa đơn với những hợp đồng khống và hợp đồng nâng giá cho các doanh nghiệp trên địa bàn lên đến 150 tỷ đồng. Vụ việc đã được cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can giám đốc công ty VP và các đồng phạm với vai trò giúp sức. Do mức độ thiệt hại quá lớn, nên cơ quan điều tra đã mở rộng điều tra vụ án, xác minh điều tra với tất cả các doanh nghiệp và đơn vị đã có giao dịch, ký kết hợp đồng với Công ty VP, ngay sau đó cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều giám đốc và cá nhân có liên quan, trong đó có công ty ĐX.

Ttrường hợp này, Công ty ĐX có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT được chỉ ra tại Phụ lục kèm theo Công văn số 1873/TCT-TTKT ngày 01/6/2022 của Tổng Cục thuế, cụ thể:

  1. Doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng hoặc thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh;
  2. Doanh nghiệp có số lần thay đổi trạng thái hoạt động hoặc số lần thay đổi kinh doanh từ 2 lần trong năm.
  3. Doanh nghiệp mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần trong 1-2 năm hoạt động).
  4. Doanh nghiệp chuyển địa điểm hoạt động kinh doanh sau khi đã có Thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
  5. Doanh nghiệp thành lập do các cá nhân có quan hệ gia đình cùng tham gia góp vốn như vợ, chồng, anh, chị em ruột….
  6. Doanh nghiệp thành lập mới do người đứng tên Giám đốc, đại diện theo pháp luật có Công ty do cơ quan thuế đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh (còn nợ thuế), tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn.
  7. Doanh nghiệp thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó bán lại, chuyển nhượng cho người khác.
  8. Doanh nghiệp thành lập không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản nhưng xuất hóa đơn tài nguyên, khoáng sản.
  9. Doanh nghiệp có hàng hóa bán ra, mua vào không phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng.
  10. Doanh nghiệp chưa nộp đủ vốn điều lệ theo đăng ký;
  11. Các doanh nghiệp mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng;
  12. Doanh nghiệp kinh doanh siêu thị (bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, hàng điện máy); kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; kinh doanh vận tải; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; kinh doanh khoáng sản (than, cao lanh, quặng sắt …); kinh doanh nông lâm sản (dăm gỗ, gỗ ván, gỗ thanh,…); có phát sinh ngành nghề cho thuê nhân công (phát sinh lớn).
  13. Doanh thu tăng đột biến, cụ thể: Kỳ kê khai trước doanh thu rất thấp, xấp xỉ bằng 0 nhưng kỳ sau đột biến về doanh thu hoặc có doanh thu kỳ sau đột biến tăng (từ 3 lần trở lên so doanh thu bình quân của các kỳ trước) nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh phải nộp thấp (thuế GTGT phải nộp < 1 % doanh số phát sinh trong kỳ);
  14. Doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho;
  15. Doanh thu kê khai hàng năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuế phát sinh phải nộp thấp dưới 100 triệu đồng (1 %);
  16. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng.
  17. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTCcó số lượng hóa đơn điện tử giảm bất thường so với số lượng hóa đơn đã sử dụng theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP.
  18. Doanh nghiệp không có thông báo phát hành hóa đơn hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo).

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2017):

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Có thể nhận thấy, các quy định của pháp luật hiện hành đã tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hướng tới một môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả. Việc tạo điều kiện thuận lợi đi đôi với việc không buông lỏng quản lý sẽ giúp cho các chủ doanh nghiệp ý thức cao hơn về việc tuân thủ pháp luật, cẩn trọng hơn để phòng tránh những rủi ro trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.