Những vấn đề xoay quanh hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội luôn là tâm điểm đáng chú ý trong xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ nước ta đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội, pháp luật cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc, không thể để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”
Khai thác khoáng sản bị xử lý như thế nào theo pháp luật hình sự?
Việt Nam được biết đến là một quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, chính vì thế, có những đối tượng đã lợi dụng lợi thế này để thực hiện hành vi khai thác trái phép nhằm trục lợi cho bản thân. Điều này đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,… ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt có thể làm khan hiếm nguồn khoáng sản nếu khai thác quá mức. Vậy thế nào là khai thác khoáng sản trái phép? Các yếu tố để cấu thành tội này là gì? Mức xử phạt theo pháp luật hiện hành?
1. Khai thác khoáng sản trái phép?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010, sửa đổi, bổ sung 2018: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. Đồng thời, theo khoản 7 Điều này hoạt động khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.
Từ đó, khai thác khoáng sản trái phép được hiểu là hoạt động khai thác không đúng phạm vi quyền khai thác của cá nhân, cơ quan, tổ chức; khai thác khi không được sự chấp nhận, cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Yếu tố cấu thành tội phạm
• Mặt chủ quan
Động cơ để thực hiện tội phạm này xuất phát từ lợi ích cá nhân. Các hành vi phạm tội thường thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép… Từ đó ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản Việt Nam.
• Mặt khách quan
Hành vi khách quan của người phạm tội này chính là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo,… thuộc phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.
Hậu quả của hành vi khai thác khoáng sản trái phép: Gây thiệt hại cho môi trường Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng rừng và diện tích đất rừng xung quanh khu vực khai thác cũng như phá vỡ đi cảnh quan thiên nhiên, những di tích lịch sử để lại.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thiệt hại: Hậu quả thiệt hại phải do nguyên nhân từ các hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản trái phép, không phải do các nguyên nhân khác. Nếu hành vi vi phạm không gây hậu quả, hậu quả không do hành vi vi phạm gây ra thì không cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản trái phép.
• Chủ thể
Chủ thể thực hiện hành vi này là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự
• Khách thể
Khách thể của tội phạm này là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là các quy định của Nhà nước về quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
3. Mức xử phạt theo pháp luật hình sự
Căn cứ theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người nào thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị áp dụng chế tài như sau:
“1.Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Trên đây là quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề pháp lý trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1900633203 để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất!