Thứ sáu, 29/03/2024

Những điều cần biết khi nhận con nuôi theo pháp luật Việt Nam

Dân sự

Điều kiện nhận nuôi con nuôi trong nước theo Luật Nuôi con nuôi

1. Điều kiện đối với người được nhận nuôi

Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi được quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể:

Về độ tuổi, người được nhận làm con nuôi là “trẻ em dưới 16 tuổi”. Ngoài ra, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có quy định trường hợp ngoại lệ là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được cho làm con nuôi nếu thuộc một trong các trường hợp được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Bên cạnh đó, một người chỉ được nhận làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Vợ chồng nhận nuôi con nuôi phải có hôn nhân hợp pháp, được đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn trường hợp hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn thì không được nhận con nuôi. Luật cũng không cho phép một người được nhận làm con nuôi của nhiều gia đình hoặc nhiều người độc thân.

Khoản 8, Điều 4 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có quy định: “Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi”. Luật Nuôi con nuôi đã có quy định cấm các hành vi sau trong việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 13 gồm:“Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, bắt cóc mua bán trẻ em; Gỉa mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước”

2. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi trong nước

Theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người nhận con nuôi phải có các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

Thứ nhất, người nhận nuôi con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.  Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người thành niên, tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi do Tòa án ra quyết định tuyên bố.

Thứ hai, độ tuổi của người nhận nuôi phải hơn con từ 20 tuổi trở lên

Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng hoặc cô, cậu, dì, chú, bác nhận cháu làm con nuôi theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 thì không áp dụng quy định hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.

Thứ ba, người nhận nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi

Trường hợp cha dượng, mẹ kế, cô, dì, chú, bác ruột,… nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng điều kiện về kinh tế, sức khỏe.

Thứ tư, người nhận nuôi phải có tư cách đạo đức tốt

Điều kiện này có ý nghĩa rất lớn bởi vì tư cách đạo đức của cha mẹ nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Ngoài ra, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh chị em ruột nhận nhau làm con nuôi tránh sự đảo lộn thứ tự, thứ bậc trong gia đình.

3. Điều kiện về ý chí của các chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi

3.1. Ý chí của người nhận nuôi

Để bày tỏ nguyện vọng của mình, người nhận nuôi phải có đơn xin nhận con nuôi kèm các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện gửi cho cơ quan có thẩm quyền. Trong đơn xin nhận nuôi, người nhận nuôi phải cung cấp đầy đủ những thông tin cá nhân cơ bản, lý do nhận nuôi con nuôi và cam kết thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em như con đẻ của mình cũng như mọi nghĩa vụ của cha mẹ đối với con theo quy định của pháp luật. Trường hợp hai vợ chồng cùng nhận con nuôi thì phải đồng thời thể hiện ý chí của mình tại đơn xin nhận con nuôi. Ngoài ra, nếu có nguyện vọng nhận con nuôi, công dân Việt Nam có thể đăng ký tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú

3.2. Ý chí của cha mẹ hoặc người giám hộ của người được nhận làm con nuôi

Tại Khoản 1, Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của trẻ em đó”

Quy định này nhằm tăng tính công khai cho việc nhận con nuôi, góp phần giảm thiểu hệ quả xấu là lợi dụng việc nuôi con nuôi  vào những mục đích xấu (như bắt cóc trẻ em để đi bán làm con nuôi để trục lợi). Luật Nuôi con nuôi còn quy định: “Cha, mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho làm con nuôi sau khi con được sinh ra ít nhất 15 ngày

Ngoài ra, Luật Nuôi con nuôi đã đề cập đến vai trò của Uỷ ban nhân dân trong việc tư vấn đối với cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 về các vấn đề như mục đích nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ giữa các bên liên quan sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập. Cụ thể, công chức tư pháp-hộ tịch phải tư vấn trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình; trường hơp cho trẻ em làm con nuôi là giải pháp cuối cùng vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, thì công chức tư pháp-hộ tịch phải tư vấn đầy đủ cho những người có liên quan về mục đích nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ giữa các bên sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập. Sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ được công chức tư pháp-hộ tịch lập thành văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.

3.3. Ý chí của người được nhận nuôi

Việc cho-nhận con nuôi ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của đứa trẻ, chính vì vậy mà pháp luật rất coi trọng ý chí của người được nhận làm con nuôi. Điều này được thể hiện qua quy định: “trường hợp nhận trẻ em từ 9 tuổi trở lên thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó”. Theo Luật Nuôi con nuôi, sự đồng ý của trẻ phải được thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của trẻ trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Đối với việc lấy ý kiến của trẻ về việc làm con nuôi thì vai trò của công chức tư pháp-hộ tịch vô cùng quan trọng. Họ có vai trò tư vấn giúp trẻ nhận thức rõ về cha mẹ nuôi, quyền và nghĩa vụ của trẻ trong tương lai từ đó giúp trẻ có quyết định đúng đắn trong việc làm con nuôi hay không làm con nuôi của mình