Thứ năm, 25/04/2024

Quy định của pháp luật về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hình sự

Quy định của pháp luật về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Với sự phát triển của xã hội và mạng lưới công nghệ thông tin hiện nay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trước đã phức tạp, nay còn trở nên tinh vi và xảo quyệt hơn. Tội phạm này không chỉ vi phạm các quy chuẩn đạo đức, pháp luật của Việt Nam, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến trật tự và gây xôn xao dư luận.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cho là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối, là tội phạm có cấu thành vật chất. Tội danh này được quy định cụ thể tại Điều 174, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 .

Các dấu hiệu như: chủ thể, khách thể, mặt khách quan, chủ quan của tội phạm là những điểm mấu chốt trong quá trình xác định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về mặt chủ thể:

Căn cứ vào Điều 12 của BLHS 2015 thì chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là người đủ 16 tuổi trở lên và không ở trong tình trạng được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 BLHS 2015; người đủ từ 14 nhưng chưa đến 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mọi trường hợp phạm tội.

Về mặt khách thể:

Khác với các tội xâm phạm sở hữu khác như tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc… Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu chứ không xâm phạm đến quan hệ nhân thân.

Về mặt chủ quan:

Dấu hiệu lỗi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện qua mặt lý trí và ý trí. Người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đã nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm, thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và xã hội; xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu hợp pháp của chủ tài sản. Mặc dù biết, nhưng người phạm tội vẫn mong muốn hậu quả xảy ra, cụ thể là mong muốn chiếm đoạt được tài sản của chủ tài sản.

Người phạm tội danh trên có thể có nhiều hơn một động cơ (do tham lam, do điều kiện hoàn cảnh, do ganh đua ghen ghét…) Động cơ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành nên tội danh cho nên không có ý nghĩa trong quá trình định tội mà chỉ có vai trò trong việc xem xét mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi khi quyết định hình phạt.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi có mục tiêu định sẵn về việc dịch chuyển trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Mục đích của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện qua hành vi chiếm đoạt tài sản và hậu quả của hành vi chiếm đoạt gây ra. Lưu ý rằng, nếu một người thực hiện hành vi lừa đối để nhận được tài sản của người khác với mục đích sử dụng mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với người đó.

Về mặt khách quan:

Hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện dưới hai hành vi thực tế là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản:

+   Hành vi lừa dối là hành vi cố ý tung ra thông tin không đúng sự thật nhằm lấy lòng tin của người khác, tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội. Trên thực tế, hành vi gian dối trong tội danh này được hợp thành bởi 2 yếu tố:

Đưa ra thông tin gian dối. Hành vi này thể hiện là hành động có chủ đích của người phạm tội, được thực hiện bằng lời nói, hành động hoặc những biểu hiện khác nhau nhằm cung cấp thông tin sai lệch về sự việc.

Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm lẫn, tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật ấy mà giao tài sản cho người phạm tội. Nếu chủ sở hữu khi giao tài sản không biết rằng mình bị lừa, hoặc phát hiện ra ngay sau khi tài sản thì người phạm tội vẫn bị xử lý với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi bản chất của hành vi chiếm đoạt là dựa trên thủ đoạn lừa dối.

Trong trường hợp người phạm tội có hành vi gian dối nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không bị nhầm lẫn, không tự nguyện trao tài sản mà người phạm tội phải dùng thủ đoạn khác hoặc vũ lực hòng chiếm đoạt tài sản thì sẽ cấu thành tội phạm khác tương ứng với hành vi của người phạm tội.

Cần lưu ý rằng, thủ đoạn gian dối không phải chỉ xuất hiện ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà còn được quy định ở một số tội phạm, điều khác biệt ở chỗ là hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, còn hành vi gian dối hướng tới mục đích khác mà không hòng chiếm đoạt tài sản dù có tư lợi thì cũng không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành vật chất, nghĩa là trông cấu thành tội phạm, có phản ánh dấu hiệu hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả của tội phạm được phản ánh trong cấu thành tội phạm thông qua thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt, chính vì vậy việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc, đây là dấu hiệu định lượng để xác định cấu thành cơ bản hoặc cấu thành định khung tăng nặng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được biểu hiện như sau:

– Hành vi gian đối phải diễn ra trước hành vi chiếm đoạt.

– Hành vi gian dối là cơ sở chủ đạo để quyết định việc chiếm đoạt được tài sản của người phạm tội. Thiệt hại về tài sản đã xảy ra đúng là sự thực hiện hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS tùy trường hợp.

Việc phân tích và hiểu rõ các dấu hiệu pháp lý, dấu hiệu định khung hình phạt và hình phạt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản giúp các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng quy định của pháp luật được chính xác, thông nhất; đồng thời đảm bảo hình phạt vừa mang tính cải tạo, giáo dục người phạm tội, vừa có tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh xã hội.