🔥 Những điểm đặc biệt trong tố tụng của “đại án” Vạn Thịnh Phát 🔥
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Nghiên cứu quá trình tố tụng vụ án này, nhận thấy có nhiều điểm đặc biệt, cho thấy sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong xử lý tội phạm tham nhũng đến cùng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” .
📌1. Lần đầu truy cứu tội tham ô tài sản đối với lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân
“Tham ô tài sản” là một tội danh thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng, đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… đã lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… mà mình có trách nhiệm quản lý.
Trước đây, theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tội tham ô tài sản chỉ cấu thành khi chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn làm việc, công tác tại các cơ quan, tổ chức Nhà Nước.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi về chủ thể của tội phạm. cụ thể, Điều 353, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Tham ô tài sản” đã bổ sung quy định khoản 6 “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Theo đó, chủ thể của tội phạm này đã được mở rộng hơn so với trước đây bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Có thể thấy, kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, đây là lần đầu tiên cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Theo đó, kết luận điều tra nêu bà Trương Mỹ Lan xây dựng “hệ sinh thái” với hơn 1.000 doanh nghiệp (DN), gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên tập đoàn.
“Hệ sinh thái” chia làm 4 nhóm chính, quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, nhóm thứ nhất là định chế tài chính tại VN do SCB giữ vai trò trung tâm; nhóm thứ hai là các công ty kinh doanh tại VN, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn; nhóm thứ ba là các công ty “ma” tại VN để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư dự án, vay vốn NH; nhóm thứ tư là mạng lưới công ty tại nước ngoài, những nơi được mệnh danh “thiên đường thuế”, có nhiệm vụ điều hành hoạt động đầu tư nước ngoài tại VN và quản lý tài sản của gia đình bà Lan ở nước ngoài.
Tại SCB, dù không trực tiếp giữ chức vụ trong ban lãnh đạo, nhưng với việc sở hữu hơn 90% cổ phần, bà Lan nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của NH này, bao gồm việc tuyển dụng cả nhân sự cấp cao, biến SCB trở thành công cụ tài chính để bị can tổ chức huy động tiền gửi.
Từ năm 2012 – 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức); riêng nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay. Phần lớn các khoản nợ đều thuộc diện không có khả năng thu hồi.
Để có thể huy động số tiền lớn như vậy, bà Lan chỉ đạo cấp dưới là lãnh đạo SCB phối hợp cùng đơn vị thẩm định giá tạo lập khách hàng vay vốn khống, nhờ người đứng tên tài sản, tạo hồ sơ khống; có những khoản vay “lấy tiền trước, hợp thức hóa hợp đồng sau”.
Một thủ đoạn khác được sử dụng, đó là các bị can lập hàng ngàn pháp nhân, thuê hàng ngàn cá nhân làm đại diện, đứng tên trên hồ sơ vay vốn. Mục đích của hành vi này nhằm tránh tình trạng khi kiểm tra trên ứng dụng CIC sẽ hiện ra dư nợ tín dụng lớn khiến không thể giải ngân.
Tiếp đó, để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị truy vết theo dòng tiền, bà Lan chỉ đạo cán bộ tại SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty “ma” thuộc “hệ sinh thái”, rồi mới rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền. Khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan tiếp tục vẽ ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt theo đó mà tăng theo cấp số cộng.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 2.2018 đến tháng 10.2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng. Hành vi này phạm vào tội tham ô tài sản.
Ngoài ra, từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2017, với thủ đoạn tương tự, bà Lan chỉ đạo các thuộc cấp để SCB giải ngân 368 khoản vay khác, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng. Nhưng vì thời điểm này bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, nên bà Lan bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
📌 2. Phân hóa trách nhiệm, miễn trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng thứ yếu, không có động cơ vụ lợi.
Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt trong công tác tố tụng đại án này. Đồng thời cũng là chủ trương rất mới trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, theo kết luận điều tra, ngoài 86 bị can đã bị đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi sai phạm của từng đối tượng mà cơ quan chức năng có phương án xử lý với từng đối tượng cụ thể.
Theo đó, người nhận số tiền lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải bị truy tố, xét xử. Người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp không xử lý về mặt hình sự nhưng Cơ quan điều tra đều có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và chính quyền.
Cụ thể, liên quan đến vụ án, có 18 bị can trong Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB được xác định đã nhận tiền, lợi ích vật chất từ bà Trương Mỹ Lan và SCB. Tuy nhiên có 7 người không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
📌3. Đề nghị truy tố, xét xử đối với cả bị can bỏ trốn
Vụ án Vạn Thịnh Phát – SCB là vụ án đặc biệt nghiêm trọng – là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Đây cũng là một vụ án rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố đối với bị can đang bị truy nã.
Trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã xác định có 7 người giữ các chức vụ cao của Ngân hàng SCB đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan, bằng việc tham gia vào các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, tham ô tài sản, gây thiệt hại nặng nề cho ngân hàng này.
7 bị can này bị khởi tố để điều tra 2 nhóm tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản, nhưng các bị can này đều đã bỏ trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu và hiện đang bị truy nã gồm: bà Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Ông Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Ông Chiêm Minh Dũng, cựu Phó tổng giám đốc SCB; Ông Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB; Ông Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành; Ông Sun Henry Ka Ziang thành viên HĐQT SCB và ông Lee George Lam, cựu Thành viên HĐQT SCB.
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra vụ án hình sự nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy nã và có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án để chờ kết quả truy nã bị can.
Cụ thể, Điều 229 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: “Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra”. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Tuy nhiên, theo Kết luận điều tra, căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm truy tố, xét xử vắng mặt đối với 5 bị can hiện vẫn đang bỏ trốn để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã đối với 7 bị can. Bộ Công an yêu cầu các bị can tự giác ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đồng thời đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa và trình bày các nội dung liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật.
Trong số 7 bị can bị truy nã, có 2 bị can mang quốc tịch nước ngoài. Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với 2 bị can Henry Sun Ka Ziang và Lee George Lam.
——————————————–
CÔNG TY LUẬT THIÊN NAM
Hồ sơ năng lực: https://docs.google.com/…/1plYgrkTmYepFhhf…/edit
☎ Hotline: 1900.633.203
📧 Email: tuvanluatthiennam@gmail.com
Website: https://luatthiennam.com
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCTO-J1Ada3EFI-U0Xn_Snlw
Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatthiennam?lang=vi-VN
🏣 Địa chỉ: Số 5, ngõ 165/2 phố Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
🏣 Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh: Số 51/17A, đường số 22, khu phố 7, Linh Đông, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh
#luatthiennam #tuvanphapluatmienphi