Trợ cấp thôi việc là khoản tiền do người sử dụng lao động chi trả cho người lao động khi nghỉ việc. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người lao động cũng được chi trả khoản tiền trợ cấp này, chỉ trong trường hợp người lao động nghỉ việc thuộc các trường hợp theo quy định của luật mới được chi trả trợ cấp này. Đây được xem như một khoản trợ cấp cho người lao động có thời gian gắn bó với doanh nghiệp khi có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng khi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ.
1. Căn cứ để người lao động hưởng trợ cấp thôi việc
Căn cứ vào điều 46 Bộ luật lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc:
“Điều 46. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”
Theo đó các trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp hết thời hạn hợp đồng lao động: Tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này”
Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 người lao động hết hạn hợp đồng thì khi nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.
Việc hưởng trợ cấp thôi việc sẽ không áp dụng đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động. Vì trong trường hợp này cán bộ công đoàn không chuyên trách khi hết hạn hợp đồng sẽ được được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.Các bên chủ thể khi giao kết hợp đồng sẽ được tự do giao kết, các bên hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng thỏa thuận nhưng không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Vì vậy, khi vì một lí do nào đó mà không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Khi thỏa thuận được chấm dứt hợp đồng người lao đồng sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc.
+ Trường hợp đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”
Khi người lao động đã hoàn thành công việc theo quy định cụ thể tại tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Người lao động đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết với người sử dụng lao động thì khi nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc
Xem thêm: Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc? Cách tính trợ cấp thôi việc?
+ Trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động: Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau: Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong trường hợp chưa hết hợp đồng lao động hoặc chưa hoàn thành công việc nhưng về mặt ý chí bên sử dụng lao động và bên lao động thống nhất là chấm dứt lao động thì người sử dụng lao động phải chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động.
+ Trường hợp người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“Trường hợp Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án: Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Người lao động đang làm việc nhưng vi phạm pháp luật mà bị kết án tù giam, tử hình hoặc có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấm làm công việc trùng với công việc đang làm hiện tại ghi trong hợp đồng lao động thì khi không thể tiếp tục làm công việc được nữa mà phải nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.
+ Trường hợp người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết: Căn cứ quy định tại Khoản 6 điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau: Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết
Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết hoặc khi người lao động do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Trong trường hợp khi người lao động biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Người lao động thuộc một trong các trường hợp này sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động chi trả
Trường hợp Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động:
Xem thêm: Điều kiện hưởng và các đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc
Căn cứ quy định tại khoản 7 điều 34 Bộ luật lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động :”Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật”
Người lao động đang làm việc tại công ty có người sử dụng lao động là cá nhân nhưng người sử dụng lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết. Hoặc có thể người sử dụng lao động là tổ chức nhưng không thể tiếp tục kinh doanh, sản xuất mà phải chấm dứt hoạt động. Trong trường hợp này, mặc dù người lao động đang làm việc tại công ty nhưng vì các lý do trên mà không thể tiếp tục tham gia làm việc nữa mà phải nghỉ việc thì họ sẽ được trưởng trợ cấp thôi việc.
Trường hợp Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định: Căn cứ quy định tại khoản 9 điều 34 Bộ luật lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
Khi người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục, bị cưỡng bức lao động; hoặc bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động… Và một số trường hợp khác được quy định tại Điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019 người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ được hưởng trợ cấp mất việc khi nghỉ việc.
Trường hợp Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động : Căn cứ quy định tại khoản 10 điều 34 Bộ luật lao động năm 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
Đối với người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Hoặc do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp động lao động thuộc một trong các trường hợp trên thì người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp mất việc.
Trên đây là tư vấn của Luật Thiên Nam về vấn đề Các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật. Khách hàng có nhu cầu cần tư vấn giải đáp, có thể liên hệ Luật sư theo số Hotline phía dưới