Tranh chấp thừa kế theo di chúc của những người trong gia đình
Thừa kế từ lâu luôn là một nội dung quan trọng trong pháp luật dân sự. Mặc dù hiện nay, các quy định của pháp luật điều chỉnh giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản tương đối đầy đủ nhưng trên thực tiễn xét xử, việc đánh giá giá trị pháp lý của di chúc vẫn luôn là một vấn đề cần được đặt ra để nghiên cứu, trao đổi.
Ngày 29/11/2018, Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội thụ lý vụ kiện “Tranh chấp thừa kế theo di chúc” giữa nguyên đơn là ông Đặng Hữu C với bị đơn là ông Đặng Hữu P. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là những người thân trong gia đình ông Chinh và ông Phức, ông Nguyễn Khương Tỵ, ông Ngụy Trung Thành, bà Trịnh Thị Hồng.
Gia đình ông C và ông P có cha đẻ là cụ Đặng Hữu T (1931-2008) và mẹ là cụ Phùng Thị H (1933-2002). Hai cụ có 08 người con là: Bà Đặng Thị T (đã chết); Ông Đặng Hữu K; Bà Đặng Thị H; Ông Đặng Hữu P; Bà Đặng Thị T; Ông Đặng Hữu N; Ông Đặng Hữu C và bà Đặng Thị H.
Sinh thời, hai cụ tạo dựng được khối tài sản là: 02 thửa đất hiện đang phát sinh tranh chấp, thửa đất số 223 và thửa đất số 224, tờ bản đồ số 04 tại thôn Thái Hòa, xã Bình Phú. Hai thửa đất trên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng được gia đình cụ T sử dụng trước năm 1993 và đang được ông P và ông N (hai anh trai của ông C) sử dụng. Một phần của thửa đất, ông Phức đã tự ý bán cho ông Nguyễn Khương Tỵ là người cùng thôn từ nhiều năm trước, việc mua bán được hai bên xác lập bằng viết tay, không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Khi còn sống, cụ T có cho ông P và ông N sử dụng thửa đất. Sau khi biết ông P có ý định bán cho ông Tỵ một phần thửa đất này, cụ T và ông P đã xảy ra mâu thuẫn, sau đó cụ T có lập một bản di chúc và được UBND xã Bình Phú chứng thực. Nội dung của bản di chúc thể hiện thửa đất chia làm 03 phần trong đó ông P, ông N và ông C mỗi người được sử dụng một phần.
Sau khi cụ T qua đời, ông C và các anh trong gia đình không tự thỏa thuận phân chia được do đó đã xảy ra mâu thuẫn trong gia đình, ông C đã có đơn đề nghị được giải quyết theo pháp luật về chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa đất số 223 và thửa đất số 224.
Ban pháp chế Trung tâm Văn hóa Doanh nhân cử luật sư Vũ Minh Tiến nghiên cứu hồ sơ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Phức và ông N theo đơn mời của hai ông.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ luật sư xác định hiệu lực của bản di chúc do cụ T để lại chính là một nút thắt quan trọng để giải quyết vụ việc trên.
Theo yêu cầu khởi kiện của ông C thì đây là bản di chúc viết tay, có chứng thực của UBND xã Bình Phú ngày 24/5/2004 nhưng qua hồ sơ vụ án thì không tìm thấy bản gốc của bản di chúc này mà chỉ có Bản sao y bản chính, ký tên Đặng Hữu T, được chứng thực bởi ông Nguyễn Khắc Lực – Chủ tịch UBND xã Bình Phú. Việc chứng thực sao y bản chính bản di chúc này là do ông Đoàn Văn Mây – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú thực hiện có số chứng thực 149, quyển sổ 01 TP/CC ngày 20/01/2010.
Theo thông tin trong Bản di chúc ngày 24/5/2004 thì bản gốc của bản di chúc này được lập thành 02 bản, 01 bản lưu tại UBND xã Bình Phú, 01 bản cấp cho người lập di chúc. Tuy nhiên, tại Biên bản xác minh ngày 02/12/2016, ông Nguyễn Khắc Tâm – cán bộ tư pháp xã Bình Phú cho biết UBND xã Bình Phú đã tìm lại hồ sơ lập di chúc của cụ Tái nhưng không thấy nên UBND không có tài liệu để cung cấp cho Tòa án.
Vào thời điểm giải quyết vụ án, ông Nguyễn Trường Lực – cán bộ tư pháp xã ghi lời chứng thực của bản di chúc đã qua đời. Bản gốc của bản di chúc ngày 24/5/2004 là không có và việc sao y bản chính bản di chúc này vào ngày 20/01/2010 có dấu hiệu giả mạo. Do đó bản sao bản di chúc mà phía nguyên đơn cung cấp cho Tòa án không phải là chứng cứ hợp pháp để xem xét giải quyết trong vụ án này.
Có thể nhận thấy, bản di chúc do cụ Đặng Hữu T lập không chỉ gặp vấn đề về mặt hình thức mà còn có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật bởi tài sản được định đoạt trong bản di chúc là tài sản đang có tranh chấp và không rõ ràng, không còn thuộc quyền của người lập di chúc.
Căn cứ vào lời khai của ông Nguyễn Khương Tỵ, bà Phùng Thị Lý, ông Đặng Hữu N, ông Đặng Hữu P và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án thể hiện: Vào thời điểm cụ Tái lập di chúc định đoạt phần diện tích đất mà ông P đang quản lý, sử dụng thì phần diện tích đất này đang có tranh chấp. Cụ thể: Vào ngày 14,15/6/2003 âm lịch (tức ngày 13,14/7/2003 dương lịch, vợ chồng ông Đặng Hữu P và bà Đặng Thị H đã chuyển nhượng 01 gian nhà cấp 4 cùng 100m2 đất cho vợ chồng ông Nguyễn Khương Tỵ và bà Phùng Thị Lý (hai bên có lập giấy chuyển nhượng viết tay), cùng trong năm 2003 khi vợ chồng ông Tỵ tiến hành xây nhà thì cụ T ra ngăn cản và xảy ra tranh chấp giữa ông P và cụ T.
Như vậy, tài sản đối với thửa đất mà cụ T định đoạt trong di chúc là tài sản đang có tranh chấp. Việc UBND xã Bình Phú chứng thực vào bản di chúc này nhưng không điều tra xác minh nguồn gốc, hiện trạng thửa đất dẫn đến nội dung chứng thực không đúng với thực tế của việc quản lý, sử dụng đất là trái với quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Nội dung của bản di chúc ngày 24/5/2004 chỉ đề cập tới số mét của chiều ngang (chiều dài giáp mặt đường làng) thửa đất, không chỉ rõ cụ thể diện tích thửa đất là bao nhiêu mét vuông và đến thời điểm hiện tại thì cái ao được cụ T xác định trong bản di chúc cũng không còn. Tại Biên bản làm việc (V/v: Xác minh nguồn gốc đất” do Luật sư Vũ Minh Tiến – người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Phức và ông Nhan) được lập ngày 17/11/2011 tại trụ sở UBND xã Bình Phú, có nội dung: “Theo hồ sơ địa chính lưu tại ủy ban xã thì nguồn gốc của thửa đất của cụ Đặng Hữu T là thửa số 334, tờ bản đồ số 03 với diện tích là 840m2 thuộc loại đất ao theo bản đồ đo đạc năm 1975 và sổ mục kê lập năm 1975 (tỷ lệ 1/1000). Đến năm 1985, theo quy hoạch chung của Hợp tác xã nông nghiệp Bình Phú là ủi ao nhỏ thành ao lớn thì thửa đất ao của ông T thuộc diện bị quy hoạch, chỉ còn lại bờ tre gia đình ông T tiếp tục quản lý, sử dụng và được hình thành nên thửa đất như hiện nay…”
Tại Biên bản xác minh ngày 29/3/2018 do Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất xác minh nguồn gốc thửa đất số 223, 224 thôn Thái Hòa, cán bộ địa chính xã Bình Phú trình bày vào năm 1985, thực hiện chủ trương của nhà nước dồn các ao nhỏ thành ao lớn, toàn bộ diện tích đất ao trên đã vào hợp tác xã.
Từ những tài liệu, chứng cứ nêu trên có thể nhận thấy, toàn bộ phần diện tích đất đang tranh chấp không còn là của cụ Đặng Hữu T nữa. Do vậy, việc cụ Tái lập di chúc và định đoạt phần diện tích đất này là trái với quy định của pháp luật.
Phán quyết của tòa án nhân dân huyện Thạch Thất
Bản án sơ thẩm số: 16/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện của ông Chinh vì thửa đất ông C yêu cầu chia di sản theo di chúc cụ T để lại không rõ ràng, không xác định được mốc giới. Dựa trên những tài liệu, chứng cứ đã có, Tòa án xác định cụ Tái đã chia tài sản cho các con và đối tượng của di chúc đã được phân chia và không còn là di sản thừa kế.
Tòa án đã ra phán quyết đúng quy định của pháp luật đồng thời hài hòa lợi ích ba anh em ông, do đó những mâu thuẫn, hiểu lầm giữa các anh em trong gia đình ông C và ông P đã được hóa giải. Vụ án trên là bài học cho những người để lại di sản thừa kế khi lập di chúc, người lập cần đặc biệt lưu ý đến hình thức và nội dung của di chúc để đảm bảo hiệu lực pháp luật và khả năng thực thi trên thực tiễn. Bên cạnh đó, tình anh em, sự yêu thương đùm bọc giữa anh chị em trong gia đình còn quý hơn cả những tài sản vật chất.