Thứ bảy, 28/12/2024

Những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng dân sự

Dân sự

Những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng dân sự

  1. Về hình thức của hợp đồng

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì giao dịch dân sự có thể được thể hiện dưới 1 trong 3 hình thức: lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.

Hình thức của hợp đồng được quy định tại Điều 119, Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

  1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

  1. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

  1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
  2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Trong một số trường hợp nhất định, hình thức là một trong nhưng điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Nếu các loại hợp đồng này không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật thì sẽ bị vô hiệu. Do đó, khi ký kết hợp đồng, các bên cần kiểm tra xem hợp đồng này có quy định riêng về hình thức hay không.

  1. Về chủ thể ký kết hợp đồng

Chủ thể ký kết hợp đồng phải đảm bảo điều kiện về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Hợp đồng phải do người có thẩm quyền hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền ký kết. Việc không đảm bảo điều kiện về mặt chủ thể khi ký kết hợp đồng có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

  1. Về nội dung hợp đồng

Về nguyên tắc, các bên được quyền tự do thỏa thuận những điều khoản trong hợp đồng nhưng với điều kiện không được trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Bất cứ điều khoản nào vi phạm về mặt nội dung cũng sẽ bị coi là vô hiệu. Một điểm đặc biệt quan trọng khi giao kết hợp đồng là xác định đối tượng hợp đồng. Hai bên cần xác định rõ đối tượng là gì? Có đặc điểm như thế nào? Đã đáp ứng điều kiện (nếu có) theo quy định của pháp luật chưa? Nếu là tài sản thì đây có phải là tài sản được phép giao dịch không?

  1. Về hiệu lực hợp đồng

Thông thường, Hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên cùng ký vào Hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Trừ một số loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng chuyển giao công nghệ…), các bên cần hết sức lưu ý điều này bởi vì hợp đồng có hiệu lực mới phát sinh trách nhiệm pháp lý, ràng buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

  1. Các vấn đề khác

Ngoài 4 vấn đề chính nêu trên, khi giao kết hợp đồng dân sự, các bên cần chú ý tới những vấn đề về: Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, luật áp dụng và giải quyết tranh chấp,…

* Về phụ lục hợp đồng

Theo quy định tại Điều 403 Bộ luật dân sự 2015 thì

– Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

– Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

* Về giải thích hợp đồng

Theo quy định tại Điều 404 Bộ luật dân sự 2015 thì:

– Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.

– Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.

– Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

– Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

– Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

– Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

Trên đây là toàn bộ những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng dân sự. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được lời tư vấn tận tình nhất từ các Luật sư!