Quy định về quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay
Hiện nay, khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, việc sáng tạo nội dung trên facebook, youtube, tiktok,… ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Trong thời gian gần đây, một số kênh youtube nhận được cảnh báo từ youtube/đơn vị có quyền lợi liên quan về việc tên kênh của họ đang xâm phạm nhãn hiệu được bảo hộ.
Từ những sự kiện này, có thể nhận thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc nói riêng và với các sản phẩm sở hữu trí tuệ khác nói chung. Hôm nay, Luật Thiên Nam sẽ cùng các bạn giải đáp những thắc mắc liên quan tới quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
Trước khi tìm hiểu các thủ tục và hồ sơ cần thiết, hãy cùng nhau lí giải xem chúng ta sẽ nhận được những quyền lợi gì khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả?
Thứ nhất, đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm đó chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm (VD: ăn trộm, sao chép, lạm dụng)
Thứ hai, đăng ký bảo hộ quyền tác giả là việc tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm. Nếu người khác muốn sử dụng hoặc sao chép thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, tác giả hoặc chủ sở hữu chứng minh quyền sở hữu của mình thông qua Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả và được pháp luật bảo vệ.
Thứ ba, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được coi là tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng… trong công ty.
Sau khi hiểu được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền tác giả, hãy cùng nhau phân tích các quy định của pháp luật về vấn đề này nhé!
- Quyền tác giả là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
- Chủ thể nào có quyền đăng ký quyền tác giả?
Theo quy định tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009), các chủ thể có quyền đăng ký quyền tác giả gồm: Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả).
- Thành phần hồ sơ
Theo Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 36 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa (ví dụ như hợp đồng);
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
- Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả
Căn cứ theo Điều 34 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký quyền tác giả sẽ gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng).
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Bước 3: Nhận kết quả
Thời gian giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (Theo quy định tại Điều 52 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Phí đăng ký quyền tác giả được quy định tại Điều 4 Thông tư số 211/2016/TT-BTC của Bộ tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả
- Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 53 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì:
– Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
– Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục được duy trì hiệu lực.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về thủ tục đăng ký quyền tác giả. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, hiệu quả nhất !