1. Điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư
Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15 và Điều 16 Luật đầu tư 2020, gồm:
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 118/2015/NĐ-CP
- Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP
- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng)
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học công nghệ.
2. Hồ sơ đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư
Tuỳ thuộc từng loại ưu đãi đầu tư mà số lượng hồ sơ sẽ khác nhau. Hồ sơ bao gồm:
- Kê khai hoặc đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với các dự án thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Trình tự thực hiện đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư
Bước 1:
Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ, nhà đầu tư căn cứ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ để thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.
Đối với dự án không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư để thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.
Bước 2: Cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư áp dụng ưu đãi cho nhà đầu tư.
*Lưu ý:
- Ưu đãi đầu tư được điều chỉnh trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư đó cho thời gian ưu đãi còn lại;
+ Nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư khác thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo điều kiện đó;
+ Trường hợp dự án đầu tư có thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư. - Tổ chức kinh tế mới thành lập hoặc thực hiện dự án đầu tư từ việc chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế, chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng dự án đầu tư được kế thừa các ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng.