Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Hiện nay, dịch vụ kinh doanh thực phẩm ngày càng phổ biến hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Một trong những điều kiện tiên quyết để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được hoạt động là phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hồ sơ cấp loại Giấy phép này?
Căn cứ theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
– Nhà hàng trong khách sạn;
– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
– Kinh doanh thức ăn đường phố;
– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 43/2018/TT-BCT Quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm:
– Đơn đề nghị theo Mẫu số 01a tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Mẫu số 02a (đối với cơ sở sản xuất), Mẫu số 02b (đối với cơ sở kinh doanh) hoặc cả Mẫu số 02a và Mẫu số 02b (đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
– Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở);
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
Trường hợp đề nghị cấp lại do Giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hỏng; do cơ sở thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh; thay đổi, bổ sung quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh và khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc do thay đổi chủ cơ sở nhưng không thay đổi tên cơ sở, địa chỉ, địa điểm và toàn bộ quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh, hồ sơ được quy định chi tiết tại Khoản 2,3,4 Thông tư số 43/2018/TT-BCT
Thủ tục, quy trình cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp cấp lần đầu gồm có 5 bước: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở; Nội dung thẩm định thực tế tại cơ sở; Cấp Giấy chứng nhận
Trường hợp cấp lại do Giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hỏng thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị hợp lệ, căn cứ hồ sơ lưu, cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận xem xét và cấp lại. Trường hợp từ chối cấp lại, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thuộc về Bộ Công thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, được quy định chi tiết tại Điều 6 Thông tư số 43/2018/TT-BCT.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nếu bạn cần sự trợ giúp pháp lý, hãy liên hệ với Luật Thiên Nam để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất!