Thứ sáu, 26/04/2024

Quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá hàng hóa

Kinh doanh thương mại

Quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá hàng hóa

1. Đối tượng của đấu giá hàng hóa

Hàng hóa bao gồm các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai. Đối tượng của hoạt động đấu giá hàng hóa là các loại hàng hóa được phép giao dịch (Nếu hàng hóa đó thuộc trường hợp hạn chế lưu thông hoặc kinh doanh có điều kiện thì chủ sở hữu hàng hóa đó phải thỏa mãn điều kiện luật định và không nằm trong danh mục bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật). Thông thường, chỉ những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới được cân nhắc để lựa chọn bán theo phương thức bán đấu giá.

2. Chủ thể tham gia đấu giá hàng hóa

Theo quy định của pháp luật, những chủ thể tham gia đấu giá bao gồm: Người bán hàng hóa, người tổ chức đấu giá, người điều hành đấu giá và người tham gia đấu giá.

Luật Thương mại năm 2005 còn quy định những người không được tham gia đấu giá hàng hóa bao gồm: người không có năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Tuy nhiên những người này có thể có người đại diện tham gia theo quy định của pháp luật. Những người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hóa; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó; người đã trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hóa bán đấu giá và cha, mẹ, vợ, chồng, con của họ; người không có quyền mua hàng hóa bán đấu giá theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc của văn bản pháp luật khác cũng không được tham gia đấu giá hàng hóa. Luật Đấu giá tài sản còn bổ sung thêm các chủ thể như: anh/chị/em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá, của giám định viên, định giá viên trực tiếp giám định hàng hóa đấu giá; Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản; Người có quyền quyết định bán tài sản; Người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật và cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh/chị/em ruột của những người này. Luật Đất đai cũng loại trừ một số trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá như người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất,…

3. Nguyên tắc thực hiện đấu giá

– Nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật

– Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong đấu giá hàng hóa

– Nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan

– Nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá hàng hóa

4. Trình tự, thủ tục đấu giá

Theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005, trình tự đấu giá gồm:

Bước 1: Giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức bán đấu giá

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ (tổ chức đấu giá) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho bên thuê dịch vụ (người bán hàng hóa) và nhận thanh toán, bên sử dụng dịch vụ (người trúng đấu giá) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.

Bước 2: Xác định giá khởi điểm

Giá khởi điểm là mức giá xuất phát khi cuộc đấu giá bắt đầu và là một nội dung phải được thông báo công khai trước khi đấu giá. Điều 194 Luật Thương mại năm 2005 quy định về giá khởi điểm của hàng hóa như sau:

“1. Người bán hàng phải xác định giá khởi điểm. Trong trường hợp người tổ chức đấu giá được uỷ quyền xác định giá khởi điểm thì phải thông báo cho người bán hàng trước khi niêm yết việc bán đấu giá.

2. Trường hợp hàng hoá đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì người nhận cầm cố, thế chấp phải thoả thuận với người cầm cố, thế chấp xác định giá khởi điểm;

3. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì giá khởi điểm do người nhận cầm cố, thế chấp xác định.”

Bước 3: Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa

Những công việc chủ yếu của bước này gồm có: niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá; đăng ký tham gia đấu giá và đặt cọc; trưng bày, xem hàng hóa bán đấu giá

Bước 4: Tiến hành đấu giá

Phiên đấu giá có thể được tổ chức tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá hoặc tại nơi có tài sản bán đấu giá và phải đảm bảo tính công khai. Địa điểm và thời gian tổ chức cuộc đấu giá phải được công bố rộng rãi. Cuộc đấu giá chỉ được tiến hành khi đảm bảo số lượng tối thiểu người tham gia trả giá. Trình tự tiến hành cuộc đấu giá được quy định tại Điều 201, Luật Thương mại năm 2005:

“1. Người điều hành đấu giá điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá hàng hoá;

2. Người điều hành đấu giá giới thiệu từng hàng hoá bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá;

3. Đối với phương thức trả giá lên, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác giá đã trả sau cùng cao hơn giá người trước đã trả ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá chỉ được công bố người mua hàng hoá bán đấu giá, nếu sau ba lần nhắc lại giá người đó đã trả mà không có người nào trả giá cao hơn;

4. Đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác từng mức giá được hạ xuống thấp hơn giá khởi điểm ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá phải công bố ngay người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng hóa đấu giá;

5. Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải tổ chức rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm được mua là người mua hàng hoá bán đấu giá;

6. Người điều hành đấu giá phải lập văn bản bán đấu giá hàng hoá ngay tại cuộc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành. Văn bản bán đấu giá phải ghi rõ kết quả đấu giá, có chữ ký của người điều hành đấu giá, người mua hàng và hai người chứng kiến trong số những người tham gia đấu giá; đối với hàng hoá bán đấu giá phải có công chứng nhà nước theo quy định của pháp luật thì văn bản bán đấu giá cũng phải được công chứng.”

Trong trường hợp không có người tham gia đấu giá, trả giá; hoặc là giá cao nhất đã trả thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên thì cuộc đấu giá coi như không thành. Tổ chức bán đấu giá và người bán hàng hóa có thể thỏa thuận tổ chức bán đấu giá lần thứ hai hoặc các lần tiếp theo với thủ tục như lần bán đầu tiên.

Bước 5: Hoàn thành văn bản đấu giá hàng hóa

Biên bản đấu giá sẽ được hoàn thành như quy định tại Điều 44 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Điều 12 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Nội dung của văn bản đấu giá được quy định tại Điều 203, Luật Thương mại năm 2005 gồm: Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá; Tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá; Tên, địa chỉ của người bán hàng; Tên, địa chỉ của người mua hàng; Thời gian, địa điểm đấu giá; Hàng hoá bán đấu giá; Giá đã bán; Tên, địa chỉ của hai người chứng kiến. Văn bản bán đấu giá hàng hoá phải được gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan. Trường hợp đấu giá không thành, trong văn bản bán đấu giá hàng hoá phải nêu rõ kết quả là đấu giá không thành và phải có các nội dung như trên.

Trên đây là những quy định cơ bản của pháp luật hiện hành về đấu giá hàng hóa. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với Luật Thiên Nam để nhận được tư vấn miễn phí, cụ thể nhất.