Thứ tư, 17/04/2024

Bài học pháp lý từ văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Tin tức

Bài học pháp lý từ văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Hiện nay, các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là facebook ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, đây có thể là phương tiện giải trí nhưng cũng rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, mang lại những hệ quả rắc rối cho người dùng nếu chúng ta sử dụng sai cách. Vụ việc pháp lý sau đây có lẽ sẽ khiến cho bạn đọc có được nhận thức rõ ràng hơn về sự cẩn trọng khi sử dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt là khi đăng tải các thông tin tới cộng đồng.

Vào hồi 13h40p ngày 19/07/2021, xuất hiện facebooker với tài khoản CC (Tên thật là NTHT) đã đăng tải một bài viết với tựa đề “Hbl (tên thương hiệu công ty và tên sản phẩm đã được viết tắt) để giảm cân?” cùng lời dẫn nhập “Có chết tôi cũng không chọn Hbl! Vì quá độc, giá thành nó nhập vào cực kì rẻ bị độ giá lên 800k-1tr-1,5tr -2tr ở Việt Nam!”. Bài viết sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau, bao gồm cả trong và ngoài nước, với nội dung đề cập đến một số sản phẩm của Hbl có chứa các chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người và thậm chí gây tử vong.

Bài viết còn đề cập đến việc một số sản phẩm của Hbl, cụ thể là “Sản phẩm đồ uống Hbl Afresh” và “Sản phẩm sữa Protein (Personalized Protein Powder)” có chứa các chất độc hại, kim loại nặng, thậm chí là nguyên tố phóng xạ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, sản phẩm tương tự có tên “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt: Bột Protein” của Hbl đã được Chi cục Vệ sinh An Toàn Thực phẩm (thuộc Sở Y tế Hà Nội) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 3935/2019/ĐKSP ngày 30/10/2019. Theo đó, bảng thành phần sản phẩm này không chứa các thành phần độc hại như trên bài viết. Chủ sở hữu của facebook này cho là nguyên nhân “phá hủy chức năng khu vực não, phổi, thận”, “gây suy gan” và liên quan đến cái chết của một phụ nữ 24 tuổi tại Ấn Độ sau 02 tháng sử dụng các sản phẩm trên. Để củng cố cho cáo buộc này, facebooker đã dẫn chứng những nguồn thông tin như sau:

1, Bài viết có tiêu đề “Giảm béo đến chết: Suy gan cấp tính gây tử vong đến Hbl – Kim loại nặng, hợp chất độc hại, chất gây ô nhiễm vi khuẩn và tác nhân hướng thần trong các sản phẩm được bán ở Ấn Độ” trên trang của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31024209/). Đây là bài nghiên cứu được đăng tải trên nguyệt san tháng 3 năm 2019 Tạp chí Gan mật Thực nghiệm và lâm sàng (“JCEH”), sau đó bị xóa theo yêu cầu của chính Tổng biên tập JCEH và Hiệp hội Quốc gia Ấn Độ về Nghiên cứu gan (INASL) – được công bố trên số tháng 1 năm 2020 của nguyệt san này, với lý do “INASL và JCEH không còn hỗ trợ nội dung và kết luận được rút ra trong bài báo vì phương pháp luận khoa học, phân tích và giải thích dữ liệu trong bài báo không đủ cho các kết luận được rút ra và, với việc xóa nó, bài báo không còn có thể được tin tưởng” (https://www.jcehepatology.com/article/S0973-6883(19)30307-X/fulltext#relatedArticles).

2, Bài viết trên Báo Tuổi trẻ (Vụ tử vong nghi uống Hbl, chuyên gia cảnh báo thực phẩm chức năng) đăng vào tháng 05 năm 2019. Tuy nhiên, đây chỉ là bài dịch của Báo Tuổi trẻ từ các nguồn thông tin như Tạp chí Journal of Clinical and Experimental Hepatology (Ấn Độ) và trang Docdroid.net mà không hề có bất kỳ tham chiếu và trích dẫn từ những nguồn này.

Không dừng lại ở đó, bài đăng tải của facebooker CC còn cáo buộc sản phẩm của Hbl là nguyên nhân gây ra cái chết của một cụ bà 75 tuổi tại Việt Nam (https://www.facebook.com/groups/beatreview/posts/479088783199299/) – đây là vụ việc ở Lào Cai, đại diện Hbl đã liên hệ với gia đình, bà cụ đã ra viện (có thêm tư liệu).

Tính cho đến thời điểm hiện tại, bài viết đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 2.300 lượt tương tác, 19.000 bình luận cùng hơn 6.100 lượt chia sẻ và các con số này vẫn đang không ngừng tăng lên.

Khi phát hiện ra hành vi này, đại diện phía Công ty TNHH MTV HBL Việt Nam đã liên hệ với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân để nhờ hỗ trợ pháp lý. Ban pháp chế Trung tâm Văn hóa Doanh nhân cử Luật sư Vũ Minh Tiến nghiên cứu hồ sơ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty.

Xem xét các tài liệu, chứng cứ có liên quan, Luật sư cho rằng hành vi của chủ tài khoản facebook này đã có dấu hiệu vi phạm Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Bà HTHT – Chủ tài khoản facebook này đã trên 18 tuổi, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đầy đủ khả năng nhận thức rõ được tính nguy hiểm, hậu quả của hành vi do mình thực hiện. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì NTHT đã có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi này cũng vi phạm điểm d Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 về những hành vi bị cấm về an ninh mạng: “Sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Điểm b Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định thông tin trên không gian mạng có nội dung vu khống bao gồm “Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Vào ngày 14/11/2021, hai bên đã tiến hành buổi làm việc để trao đổi về sự việc trên. Bà NTHT đã trình bày: Do k có hiểu biết pháp luật nên đã có hành vi vi phạm trên. Tuy nhiên, bà không có bất cứ ý định nào xâm phạm đến hình ảnh và thương hiệu của công ty. Bên cạnh đó, bà chỉ chia sẻ những bài viết có sẵn, trong đó có chứa các thông tin không có tính xác thực chứ hoàn toàn không có ý định công kích về sản phẩm chính hãng. Bà xin lỗi công ty về những hành vi thiếu hiểu biết của bà đã gây ra. Đồng thời bà cam kết không tiếp tục có hành vi chia sẻ như trên và trong vòng 05 ngày làm việc, sẽ tự nguyện dựng clip để xin lỗi và đính chính công khai trên mạng xã hội facebook, đề nghị xem xét rút đơn  yêu cầu xử lý tại cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp theo, ngày 16/11/2021, bà NTHT đã cam kết sẽ bàn giao clip cho đại diện của công ty đồng thời cam kết sẽ không thực hiện bất kỳ hành vi nào tương tự và gây ảnh hưởng đến công ty, cam kết tự nguyện bồi thường những tổn thất mà mình đã gây ra.

Có thể nhận thấy, do sự thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu cẩn trọng, chỉ với một bài viết đăng tải trên mạng xã hội, hành vi trên của NTHT đã gây dư luận xấu và làm giảm uy tín của Công ty TNHH MTV HBL Việt Nam dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế của công ty.

Trên đây là một trong số rất nhiều những vụ việc xảy ra trên không gian mạng xã hội hiện nay. Câu chuyện pháp luật này đã mang đến bài học cho những ai đang có thói quen sử dụng mạng xã hội – cần phải tìm hiểu rõ các thông tin đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật trước đi đăng tải, chia sẻ các thông tin. Đây cũng là một câu chuyện kết thúc có hậu, hợp tình, hợp lí, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho cả 2 bên.