Thứ sáu, 04/10/2024

ChatGPT xâm nhập vào Việt Nam – Thách thức với việc hình thành khung pháp lý điều chỉnh

Tin tức


Hiện nay, việc sử dụng phần mềm ChatGPT đang là một chủ đề thu hút mọi sự quan tâm của người dùng trên khắp thế giới bởi tính ứng dụng cao, có thể kể đến như: sáng tạo nội dung, viết code, trả lời những câu hỏi mà người dùng đưa ra,…Thậm chí, nhờ sự trợ giúp của phần mềm này, một sinh viên người Nga đã hoàn thành viết luận văn tốt nghiệp trong vòng 23 tiếng đồng hồ. Thông qua sự việc này đã đặt ra hàng loạt vấn đề pháp lý xoay quanh nhưng vẫn chưa có lời giải đáp: Liệu ChatGPT có tuân thủ những quy định về liêm chính học thuật khi viết luận văn? Quyền sở hữu có được đặt ra đối với ChatGPT không? Nên coi ChatGPT là chủ sở hữu hay đồng sở hữu đối với tác phẩm? Trường hợp ChatGPT vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì xử lý như thế nào?….

Thứ nhất, ChatGPT được biết đến là một AI (trí tuệ nhân tạo) với khả năng tìm kiếm, tự tổng hợp và xây dựng từ các thông tin do Công ty OpenAI cài đặt sẵn vào để trả lời người hỏi một cách nhanh nhất, chuyên sâu giống như con người dưới dạng hội thoại.
Với khả năng tự sáng tạo những bài viết, câu trả lời dựa trên những thông tin đã được nạp vào, vô hình chung, khi ChatGPT không trích dẫn nguồn tham khảo là hành vi vi phạm quyền tác giả. Không những thế, điều này cũng có thể kéo theo những rắc rối gây bất lợi đối với người dùng, bị coi là góp phần vào việc thực hiện hành vi vi phạm. Bởi hàng năm, một tác giả cho ra hàng chục tác phẩm, công trình nghiên cứu khiến ta không thể kiểm soát được những phần nào do ChatGPT viết, ChatGPT đã lấy bao nhiêu phần từ nguồn có sẵn…

Thứ hai, bàn về khía cạnh bản quyền đối với tác phẩm đầu ra từ trí tuệ nhân tạo. Cho dù ứng dụng trí tuệ thông minh này tự sáng tạo nội dung dựa trên câu hỏi mà người tương tác đặt ra, nhưng xét về bản chất, nó không có đủ khả năng phản biện, tư duy như con người để bảo vệ tác phẩm cho riêng mình. Đặc biệt, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam, chỉ công nhận quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo hộ đối với tác phẩm do con người tạo ra. Vì lẽ đó, quyền sở hữu về nội dung mà ChatGPT tạo ra vẫn đang nhận lại nhiều ý kiến trái chiều.
Đối với người dùng, xuất phát từ việc con người đặt câu hỏi, còn ChatGPT có nhiệm vụ thực thi mệnh lệnh, sáng tạo nội dung câu trả lời. Nên khó có thể trao bản quyền tác phẩm thuộc về con người như một tác giả thực thụ. Về phía Công ty OpenAI- chủ sở hữu ChatGPT, ngoài việc ChatGPT là “con đẻ” của họ, cũng không có mối liên hệ nào giữa công ty này và nội dung mà ChatGPT tạo ra để có thể công nhận quyền sở hữu của công ty OpenAI với các nội dung này. Vậy quyền sở hữu thuộc về ai? Thiết nghĩ, pháp luật Việt Nam cần sửa đổi phù hợp hơn để theo kịp thời kỳ đề cao các thiết bị thông minh như ngày nay.

Thứ ba, về tư cách pháp lý để truy cứu trách nhiệm, pháp luật hiện hành ở Việt Nam vẫn chưa có cách tiếp cận rõ ràng đối với sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng. Theo pháp luật dân sự, tư cách chủ thể phải là cá nhân, tổ chức, do vậy, không thể xác định tư cách pháp lý cho AI là chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật và coi như là con người.
Như vậy, không thể phủ nhận những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo đem lại để hỗ trợ con người tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, sự ra đời của chúng cũng đặt ra không ít những thách thức đối với nhà lập pháp, đòi hỏi luật pháp có những điều chỉnh mới, rõ ràng hơn và theo kịp thời đại công nghệ đổi mới như hiện nay.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về vấn đề pháp lý trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1900633203 để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất!