Thứ hai, 09/09/2024

Những điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 về tranh chấp lao động

Tin tức

Những điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 về tranh chấp lao động

  1. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

So với quy định của Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2012, BLLĐ năm 2019 đã xóa bỏ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền (xảy ra ở đơn vị sử dụng lao động được đình công) của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; quy định Hội đồng trọng tài lao động (HĐTTLĐ) được ban hành quyết định khi giải quyết tranh chấp lao động; thẩm quyền giải quyết của HĐTTLĐ được mở rộng với tranh chấp lao động (TCLĐ) cá nhân, TCLĐ tập thể về quyền và TCLĐ tập thể về lợi ích

  1. Trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ cá nhân

Trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ cá nhân theo quy định của BLLĐ năm 2019 có một số điểm mới sau:

BLLĐ năm 2019 đã bổ sung thêm 01 TCLĐ cá nhân không bắt buộc phải hoà giải tại HGVLĐ là “tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại”.

BLLĐ mới cho phép các bên của TCLĐ cá nhân có thể lựa chọn giải quyết tại HĐTTLĐ hoặc khởi kiện đến Toà án sau khi vụ tranh chấp đã qua thủ tục hoà giải tại HGVLĐ (trừ TCLĐ cá nhân không bắt buộc phải qua hoà giải). Trường hợp lựa chọn giải quyết tại HĐTTLĐ, các bên vẫn tiếp tục được quyền yêu cầu Toà án giải quyết trong trường hợp: một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban Trọng tài lao động (TTLĐ) hoặc hết thời hạn 07 ngày mà Ban TTLĐ không đưoc thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà Ban TTLĐ không ra quyết định giải quyết tranh chấp.

BLLĐ mới bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết TCLÐ cá nhân (09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm) tại Khoản 3 Điều 190 và quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết TCLĐ cá nhân tại Khoản 4 Điều 190 BLLĐ 2019. Theo đó, trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết TCLÐ cá nhân đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng. trở ngại khách quan hoặc lý do không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết TCLĐ cá nhân.

  1. Trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ tập thể về quyền

Trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ tập thể về quyền theo quy định của BLLĐ năm 2019 có một số điểm mới sau:

BLLĐ 2019 đã bỏ trình tự giải quyết bắt buộc tại Chủ tịch UBND cấp huyện sau khi tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải tại Hòa giải viên lao động (HGVLĐ). Thay vào đó, các bên tranh chấp được lựa chọn giải quyết tại HĐTTLĐ hoặc khởi kiện đến Tòa án.

Khi tiến hành hòa giải và giải quyết vụ TCLĐ tập thể về quyền quy định tại điểm b và điểm c Khoản 2 Điều 179 BLLĐ năm 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì HGVLĐ không tiến hành hòa giải; Ban TTLĐ không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật

  1. TCLĐ tập thể về lợi ích

TCLĐ tập thể về lợi ích theo quy định của BLLĐ năm 2019 có một số điểm mới sau:

Kết quả hòa giải thành TCLĐ tập thể về lợi ích tại HGVLĐ có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Trường hợp HGVLĐ đã hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết hoặc tập thể lao động tiến hành các thủ tục để đình công. (Khoản 3 Điều 196 BLLĐ năm 2019)

BLLĐ năm 2019 cho phép tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công ngay sau khi tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải tại HGVLĐ (mà không bắt buộc phải qua thủ tục giải quyết tại HĐTTLĐ).

Tại Khoản 3 Điều 197 BLLĐ năm 2019 đã quy định rõ căn cứ mà Ban TTLĐ phải dựa vào để ban hành quyết định giải quyết TCLĐ tập thể về lợi ích. Tuy nhiên, căn cứ mà Ban TTLĐ dựa vào để giải quyết TCLĐ tập thể về lợi ích lại giống căn cứ giải quyết TCLĐ tập thể về quyền.

Trên đây là toàn bộ những điểm mới của BLLĐ năm 2019 về tranh chấp lao động mà bạn cần biết.

Theo dõi fanpage của Luật Thiên Nam tại: https://www.facebook.com/Lu%E1%BA%ADt-Thi%C3%AAn-Nam-104042244807910 để cập nhật những thông tin pháp luật mới nhất.