Khi thương nhân nhập khẩu hàng hóa, một trong những thủ tục quan trọng để đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam đó là Khai báo hải quan. Dưới đây là những thông tin quan trọng bạn cần nắm được để việc khai báo hải quan được thuận lợi:
- Trách nhiệm:
Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm:
+ Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 của Luật Hải quan;
+ Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
+ Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Địa điểm làm thủ tục hải quan
2.1. Địa điểm làm thủ tục hải quan: nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
2.2 Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan: trụ sở Cục Hải quan, trụ sở Chi cục Hải quan.
2.3. Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:
- a) Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
- b) Trụ sở Chi cục Hải quan;
- c) Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
- d) Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;
đ) Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;
- e) Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;
- g) Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.
- Hồ sơ hải quan
3.1. Hồ sơ hải quan gồm:
– Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
– Chứng từ có liên quan (hợp đồng mua bán, giấy phép nhập khẩu, hóa đơn,…các chứng từ liên quan khác)
3.2 Lưu ý:
– Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Nơi nộp hồ sơ:
– Nộp thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
– Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của Luật hải quan, pháp luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn.
– Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa nhập khẩu
Lưu ý: Người khai hải quan không phải nộp, xuất trình chứng từ giấy đối với các chứng từ đã được tiếp nhận, xử lý thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trừ các chứng từ phải nộp bản giấy theo quy định của pháp luật”.
- Thời hạn nộp hồ sơ hải quan
– Thời hạn nộp tờ khai hải quan: Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
– Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan:
+ Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;
+ Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.
Văn bản pháp luật:
– Luật Hải quan 2014
– Nghị định 59/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
Trên đây là những thông tin hữu ích về thủ tục khai báo hải quan mà Luật Thiên Nam gửi đến bạn.
Trân trọng./.