(PLVN) – Ngày 21/12, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên Kết Việt).
7 bị cáo thuộc Công ty Liên Kết Việt bị đưa ra xét xử gồm: Lê Xuân Giang (SN 1971, nguyên chủ tịch HĐQT); Lê Văn Tú (SN 1985, nguyên tổng giám đốc); Nguyễn Thị Thủy (SN 1970, nguyên phó tổng giám đốc) và 4 bị cáo khác cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên toà dự kiến diễn ra trong 10 ngày này, Chủ tọa cho biết, Tòa đã mời hơn 6.000 người bị hại và 82 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tham gia tố tụng. Tuy nhiên, nhiều người trong số này có đơn xin vắng mặt. Có hơn 500 bị hại đến phiên tòa theo dõi xét xử.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (viết tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động.
Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, trong khoảng từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang cùng các bị can đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP.
Các bị cáo tìm mọi cách khiến bị hại nghĩ Công ty BQP là công ty thuộc Bộ Quốc phòng và Lê Xuân Giang cùng dàn lãnh đạo Công ty BQP là cán bộ của Bộ Quốc phòng; sản phẩm kinh doanh của công ty này là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc Phòng đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương.
Sau đó, các bị cáo sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo khách hàng bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao như chỉ cần đóng tiền vào Công ty cổ phần Liên Kết Việt, không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng…
Các bị cáo thuê người làm giả bằng khen của Thủ tướng và triển khai loạt chương trình, đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng hơn 400 triệu. Hoặc nhà đầu tư vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ôtô trị giá một tỷ đồng, hoặc căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng, tặng đi du lịch nước ngoài, được lên chức phó phòng, trưởng phòng, giám đốc được hưởng lương tháng, được ăn chia phần trăm số tiền thu được do các bị hại nộp vào tới 10 tỷ đồng mỗi tháng…
Lê Xuân Giang và đồng phạm còn đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, nghĩa là lấy tiền của người tham gia kinh doanh đa cấp sau để trả cho người tham gia trước. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Để mở rộng mạng lưới và lôi kéo được nhiều bị hại đóng tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty cổ phần Liên Kết Việt, Lê Xuân Giang và đồng phạm còn cho mở các đại lý của Công ty cổ phần Liên Kết Việt tại các tỉnh, thành phố, trong đó quy định về quyền lợi áp dụng cho các Trưởng chi nhánh, Văn phòng đại diện, đại lý để khuyến khích các bị cáo lôi kéo thêm nhiều bị hại tham gia tại các địa phương. Tính đến tháng 11/2015, Giang và đồng phạm đã mở 34 chi nhánh, văn phòng đại diện ở 27 địa phương, qua đó lôi kéo hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh, thành.
Cáo trạng xác định các bị cáo thu của 68.000 bị hại tổng số tiền gần 2.100 tỷ đồng. Giang và đồng phạm chi phí thực tế hết khoảng một nửa khoản tiền thu được. Sau khi cấn trừ, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền hơn 1.100 tỷ.
Cơ quan chức năng làm rõ 6.053 bị hại có đầy đủ thông tin và địa chỉ. Những người này đã nộp hơn 580 tỷ cho nhóm của Giang và nhận lại 193 tỷ đồng hoa hồng.
VKS buộc Lê Xuân Giang và đồng phạm phải bồi thường hơn 390 tỷ.
—Báo pháp luật—-