Thứ hai, 09/09/2024

Doanh nghiệp và những rủi ro về hóa đơn và hoàn thuế GTGT

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp và những rủi ro về hóa đơn và hoàn thuế GTGT

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang nắm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sự phồn thịnh của một quốc gia. Bên cạnh những mặt tích cực trong việc phát triển kinh tế, sự gia tăng một cách “ồ ạt” của hàng loạt các doanh nghiệp lớn nhỏ khiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thuế. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hóa đơn nhằm thu lợi bất chính, Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan Thuế các cấp tổ chức phổ biến, thực hiện, tổng kết, đánh giá và trao đổi kinh nghiệm về các dấu hiệu, hành vi vi phạm trong việc quản lý hóa đơn như phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn không hợp pháp. Qua bài viết dưới đây, Luật Thiên Nam sẽ cùng các bạn giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề này.

Tại Phụ lục kèm theo Công văn số 1873/TCT-TTKT ngày 01/6/2022 về tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện NNT có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT đã quy định các dấu hiệu doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn,hoàn thuế GTGT gồm:

– Doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng hoặc thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh;

– Doanh nghiệp có số lần thay đổi trạng thái hoạt động hoặc số lần thay đổi kinh doanh từ 2 lần trong năm.

– Doanh nghiệp mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần trong 1-2 năm hoạt động).

– Doanh nghiệp chuyển địa điểm hoạt động kinh doanh sau khi đã có Thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

– Doanh nghiệp thành lập do các cá nhân có quan hệ gia đình cùng tham gia góp vốn như Vợ, Chồng, anh, chị em ruột….

– Doanh nghiệp thành lập mới do người đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật có Công ty do cơ quan thuế đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh (còn nợ thuế), tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn.

– Doanh nghiệp thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó bán lại, chuyển nhượng cho người khác.

– Doanh nghiệp thành lập không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản nhưng xuất hóa đơn tài nguyên, khoáng sản.

– Doanh nghiệp có hàng hóa bán ra, mua vào không phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng.

– Doanh nghiệp chưa nộp đủ vốn điều lệ theo đăng ký;

– Các doanh nghiệp mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng;

– Doanh nghiệp kinh doanh siêu thị (bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, hàng điện máy); kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; kinh doanh vận tải; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; kinh doanh khoáng sản (than, cao lanh, quặng sắt …); kinh doanh nông lâm sản (dăm gỗ, gỗ ván, gỗ thanh,…); có phát sinh ngành nghề cho thuê nhân công (phát sinh lớn).

– Doanh thu tăng đột biến, cụ thể: Kỳ kê khai trước doanh thu rất thấp, xấp xỉ bằng 0 nhưng kỳ sau đột biến về doanh thu hoặc có doanh thu kỳ sau đột biến tăng (từ 3 lần trở lên so doanh thu bình quân của các kỳ trước) nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh phải nộp thấp (thuế GTGT phải nộp < 1 % doanh số phát sinh trong kỳ);

– Doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho;

– Doanh thu kê khai hàng năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuế phát sinh phải nộp thấp dưới 100 triệu đồng (1 %);

– Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng.

– Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC có số lượng hóa đơn điện tử giảm bất thường so với số lượng hóa đơn đã sử dụng theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP.

– Doanh nghiệp không có thông báo phát hành hóa đơn hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo).

– Doanh nghiệp có giá trị hàng hóa bán ra, thuế GTGT đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua vào, thuế GTGT đầu vào.

– Doanh nghiệp có hàng hóa dịch vụ bán ra không phù hợp với hàng hóa dịch vụ mua vào;

– Doanh nghiệp có doanh thu và thuế GTGT đầu ra, đầu vào lớn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, có số thuế GTGT âm nhiều kỳ.

– Doanh nghiệp không có tài sản cố định hoặc giá trị tài sản cố định rất thấp;

– Doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng (tiền vào và rút ra ngay trong ngày);

– Doanh nghiệp sử dụng lao động không tương xứng với quy mô và ngành nghề hoạt động;

– Một cá nhân đứng tên (người đại diện theo pháp luật) thành lập, điều hành nhiều doanh nghiệp.

Có thể nhận thấy, các quy định của pháp luật hiện hành đã tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hướng tới một môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm vững các quy định về vấn đề này để phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh.