Thứ hai, 09/09/2024

Phân biệt phá sản doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp


Hiện nay, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt trên thương trường để đảm bảo sự tồn tại của mình. Do đó, những doanh nghiệp yếu, kém sẽ thường đối mặt với những tình trạng làm ăn thua lỗ, tốn kém nhiều chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và dễ rơi vào một trong hai trạng thái: giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Phá sản và giải thể đều là hình thức chấm dứt sự tồn tại của một pháp nhân. Vậy giữa chúng có những điểm giống và khác nhau cơ bản như thế nào? Luật Thiên Nam sẽ cùng các bạn giải đáp những thắc mắc đó ngay sau đây.

Điểm khác biệt thứ nhất, về căn cứ pháp lý:
Phá sản doanh nghiệp căn cứ theo Luật Phá sản 2014
Giải thể doanh nghiệp căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2020

Thứ hai, về khái niệm:
Phá sản là khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Giải thể là việc chấm dứt hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu đã đặt ra hoặc bị giải thể theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, về điều kiện bị tuyên bố:
Theo Luật Phá sản 2014, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi đồng thời thỏa mãn hai điều kiện:
– Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ, tức là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
– Doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.
Còn theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp bị giải thể khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
– Theo quyết định của những người có quyền nộp đơn yêu cầu giải thể doanh nghiệp.
– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thứ tư, về người có quyền nộp đơn yêu cầu:
Đối với trường hợp bị tuyên bố phá sản thì chủ nợ, người lao động, công đoàn, người đại diện theo pháp luật, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hợp danh, cổ động hoặc nhóm cổ đông là người có thẩm quyền nộp đơn.
Trong trường hợp giải thể doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền nộp đơn yêu cầu.

Thứ năm, xét về hậu quả pháp lý:
Doanh nghiệp sau khi bị tuyên bố phá sản có thể:
-Bị tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, xóa thông tin trong sổ đăng ký kinh doanh
– Vẫn tiếp tục hoạt động nếu có người mua lại toàn bộ doanh nghiệp; hoặc bị đặt vào trạng thái kiểm soát đặc biệt và hoạt động lại bình thường sau khi thanh toán hết các khoản nợ.
Hậu quả pháp lý mà doanh nghiệp phải gánh chịu sau khi giải thể: Doanh nghiệp hoàn toàn chấm dứt hoạt động và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh

Thứ sáu, về loại thủ tục:
– Phá sản doanh nghiệp: là thủ tục tư pháp, được tiến hành tại Tòa án
– Giải thể doanh nghiệp: là thủ tục hành chính do người có thẩm quyền trong doanh nghiệp tiến hành làm việc với cơ quan đăng ký kinh doanh

Thứ bảy, về quyền tự do kinh doanh của chủ doanh nghiệp sau khi có quyết định:
– Chủ doanh nghiệp sau khi phá sản sẽ bị Nhà nước hạn chế quyền tự do kinh doanh.
– Đối với trường hợp giải thể, chủ doanh nghiệp không bị hạn chế quyền tự do kinh doanh, có thể thành lập ngay một doanh nghiệp khác để kinh doanh

Trên đây Luật Thiên Nam đã làm rõ những sự khác biệt cơ bản của giải thể và phá sản doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp cần hiểu rõ vấn đề này bởi việc lựa chọn kết thúc sao cho gọn nhẹ, và hợp lý cũng có thể ảnh hưởng đến tiếng tăm, sự uy tín của một doanh nghiệp trên con đường kinh doanh sau này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1900633203 để nhận được phương án tư vấn nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất